“Người già” là một khái niệm có tính chất cá
biệt và tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố (dân tộc, nghề nghiệp, văn hoá...). Trong y học người
ta quy định từ 45 đến 64 tuổi là thời kỳ tiền lão (presenile), từ 65 tuổi trở lên
là tuổi già (senile), (từ 85 tuổi trở lên được coi là thượng lão...).
Với sự phát triển
của kinh tế, xã hội, các kiến thức và dịch vụ y tế... sức khoẻ và tuổi thọ con
người ngày càng được nâng cao một cách rõ rệt ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Quần thể những người cao tuổi cũng chiếm một tỷ lệ ngày càng cao trong dân số
chung. Các nghiên cứu đều khẳng định đây là nhóm tuổi có khuynh hướng gia tăng
nhanh hơn cả. Trên thế giới hiện
nay, số lượng người từ 60 tuổi trở lên vào khoảng 800 triệu người. Theo dự báo
đến năm 2050, con số này có thể là khoảng 2 tỷ người. Dân số Việt Nam hiện cũng
đang trong tình trạng già hóa với tỷ lệ người cao tuổi vào khoảng 10,2%. Năm
nay 2013, nhân ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới, chủ đề được lựa chọn là “Sức khỏe tâm thần với người cao tuổi - Mental
health and old people”.
Người cao tuổi thường có các vấn đề về sức khỏe thể chất
như bệnh lý tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh cơ xương khớp. Bên cạnh đó, các
vấn đề sức khỏe tâm thần cũng thường gặp như: sa sút trí tuệ, trầm cảm, lo âu, các rối loạn loạn thần. Sức khỏe tâm thần có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và
ngược lại.
Ở người già, bệnh
lý tâm thần có những nét đặc trưng riêng biệt của lứa tuổi này. Đó là:
- Bệnh cảnh lâm sàng thường
không đặc hiệu, không điển hình, và thường có các bệnh lý cơ thể kèm theo. Do
vậy bệnh nhân thường đến với các chuyên khoa khác trước khi đến chuyên khoa Tâm
thần.
- Bệnh thường tiến
triển một cách thầm lặng, từ từ, ngay cả người thân đôi khi cũng khó nhận biết
được.
- Các rối loạn
tâm thần thường bị che đậy bằng các triệu chứng về cơ thể, bằng tâm lý từ chối
tuổi già, tâm lý không muốn thừa nhận mình bị các rối loạn tâm thần.
- Rối loạn tâm
thần người già thường có sự tác động phức tạp của các yếu tố tâm lý, xã hội, cơ
thể (vấn đề về hưu trí, cô đơn, kinh tế sút kém, phụ thuộc….).
- Và có các bệnh
cơ thể, người già thường được dùng nhiều loại thuốc khác nhau, khả năng dung nạp
thuốc lại rất kém so với người trẻ, do vậy thường có nhiều biến chứng và bệnh cảnh
thường phức tạp, khó khăn trong khám xét và theo dõi.
- Đánh giá triệu
chứng tâm thần ở người già rất khó, nhiều khi phải cần có sự trợ giúp của các
“công cụ chẩn đoán”: các test thần kinh tâm lý riêng biệt cho người già...
Các
rối loạn tâm thần ở người già bao gồm:
- Sa sút trí tuệ
(Dementia)
- Trầm cảm
(Depression)
- Mê sảng
(Delirium)
- Các rối loạn
hoang tưởng (Delusional disorder)
- Các rối loạn
lo âu (Anxiety disorder)
- Rối loạn giấc
ngủ (Sleep disorder)
- Rối loạn liên
quan đến sử dụng rượu và các chất ma tuý khác.
- Các rối
loạn khác...
Trong đó phổ biến
nhất là: Trầm cảm và sa sút trí tuệ.
Do vậy mọi thành viên trong gia đình
nên quan tâm đến người cao tuổi, phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh lý tâm thần
cũng như bệnh cơ thể để đưa ngwoif bệnh đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị
kịp thời.