ĐẠI
CƯƠNG SỨC KHỎE TÂM THẦN
I. KHÁI NIỆM VỀ SỨC KHOẺ TÂM THẦN
Theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới: “
Sức khoẻ là trạng thái hoàn toàn thoải mái về cơ thể, tâm thần và xã hội chứ
không phải là không có bệnh hay có tật”.
Như vậy trong sức khoẻ có ba thành phần: sức
khoẻ cơ thể, sức khoẻ tâm thần và sức khoẻ xã hội. Ba thành phần này có quan hệ
mật thiết với nhau, tác động qua lại với nhau. Một người bị bệnh cơ thể nặng hoặc
kéo dài như bệnh ung thư, tiểu đường....cũng
thường có rối loạn tâm thần kèm theo: buồn phiền, lo âu, cáu gắt, uể oải....
Ngược lại những bệnh tâm thần lâu ngày cũng có những rối loạn về cơ thể như rối
loạn thần kinh thực vật: cơn đánh trống ngực, huyết áp dao động, vã mồ hôi...
Sức khoẻ tâm thần là trạng thái không chỉ
không có rối loạn hay dị tật tâm thần mà còn là trạng thái tâm thần hoàn toàn
thoải mái. Muốn có trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái cần phải có chất lượng
cuộc sống tốt, có được sự cân bằng và hoà hợp gữa cá nhân, người thân xung
quanh và môi trường xã hội.
Như vậy thực chất sức khoẻ tâm thần ở cộng đồng
là:
-
Có một cuộc sống thực sự thoải mái.
-
Đạt được niềm tin vào giá trị bản thân, vào phẩm chất và giá trị của người
khác.
-
Có khả năng ứng xử bằng cảm xúc, hành vi hợp lý trước mọi tình huống.
-
Có khả năng tạo dựng, duy trì và phát triển thoả đáng các mối quan hệ.
-
Có khả năng tự hàn gắn để duy trì cân bằng khi có các sự cố gây mất thăng bằng
căng thẳng( stres).
II. BỆNH TÂM THẦN VÀ RỐI LOẠN TÂM
THẦN
Rối loạn tâm thần là do hoạt động ở não bộ bị
rối loạn mà gây nên những biến đổi bất thường trong ý nghĩ, cảm xúc, hành vi,
tác phong....của người bệnh.
Hiện nay, trong ICD – 10 ( bảng phân loại bệnh
lần thứ 10 của tổ chức Y tế Thế giới), từ
ngữ “bệnh tâm thần” chỉ dùng cho một số ít trạng thái tâm thần bệnh lý truyền
thống (bệnh tâm thần phân liệt, bệnh Alzheimer....). Từ ngữ “rối loạn tâm thần”
được dùng phổ biến (rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh, rối loạn trầm cảm....).
Thay đổi cách gọi này xuất phát từ quan điểm bệnh học, nói đến một bệnh là nói
đến trạng thái có bệnh nguyên, bệnh sinh rõ ràng. Nhưng trong tâm thần học chỉ
có một số bệnh như bệnh tâm thần phân liệt, bệnh loạn thần hưng trầm cảm....tuy
cơ chế bệnh nguyên và bệnh sinh không rõ ràng nhưng vẫn gọi là bệnh tâm thần nội
sinh. Và hiện nay, đổi từ ngữ bệnh tâm thần thành rối loạn tâm thần, tuy không
chính xác nhưng dùng nó để tránh đề cập đến cơ chế bệnh nguyên, bệnh sinh phức
tạp.
Các bệnh và rối loạn tâm thần không phải là
do ma quỷ, thần thánh gây ra, do đó không thể chữa bằng cúng bái, trừ tà ma.
Bệnh và rối loạn tâm thần là phổ biến. Xã hội
càng phát triển, nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Bệnh làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc
sống cá nhân, gia đình và xã hội. Do vậy việc phát hiện bệnh sớm, quản lí và điều
trị kịp thời là rất quan trọng.
* Chú ý: phân biệt bệnh lý tâm thần
và bệnh lý thần kinh
- Bệnh tâm thần và rối loạn tâm thần: là những
rối loạn chức năng não bộ gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Các quá trình
cảm giác, tri giác, tư duy, ý thức… bị sai lệch nên bệnh nhân có những ý nghĩ,
cảm xúc, hành vi tác phong không phù hợp với môi trường thực tại xung quanh. (ảo
giác, hoang tưởng, kích động, buồn rầu, lo âu…..)
- Bệnh thần kinh: do nhiều nguyên nhân gây ra
làm tổn thương tổ chức thần kinh (não bộ, tủy sống, dây thần kinh). Từ đó ảnh
hưởng đến cảm giác, vận động và ý thức của người bệnh (liệt, tê bì, hôn mê,…..)
III. CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY RA BỆNH
TÂM THẦN
Các nguyên nhân chủ yếu thường được nêu ra
bao gồm: 4 nhóm nguyên nhân
1. Các nguyên nhân thực tổn:
-
Chấn thương sọ não.
-
Nhiễm khuẩn thần kinh ( Viêm não, giang mai thần kinh ).
-
Nhiễm độc thần kinh ( Nghiện các chất: rượu, ma tuý, nhiễm độc nghề nghiệp ).
-
Các bệnh mạch máu.
-
Các tổn thương não khác ( U não, teo não, xơ não rải rác,...)
-
Các bệnh cơ thể ảnh hưởng đến hoạt động của não.
2. Các nguyên nhân tâm lý:
Con người gặp các sang chấn tâm lý :
-
Yếu tố về kinh tế : kinh tế gia đình khó khăn, vỡ nợ, thất nghiệp, .....
-
Yêu tố về tình cảm : bất hòa trong gia đình, trong công việc, ly hôn, ly
thân, bạo lực gia đình, mất người thân đột ngột,....
-
Yêu tố xã hội : môi trường sống bị ô nhiễm, thay đổi chỗ ở, thiên tai thảm
họa, xảy ra tai nạn,.....
-
Các trường hợp bị bắt cóc, tra tấn, hãm hiếp đặc biệt ở phụ nữ và trẻ em.
-
Yếu tố về sức khỏe: bị bệnh lý cơ thể như các bệnh lý về nội tiết, tim mạch,
ung thư,.....
Chủ yếu các stress tâm lý – xã hội tác động
vào các nhân cách có đặc điểm riêng, gây ra:
-
Các rối loạn tâm căn.
-
Các rối loạn liên quan đến stress.
-
Các rối loạn dạng cơ thể.
3. Các nguyên nhân cấu tạo thể chất
bất thường và phát triển tâm thần bệnh lý:
Do tác động vào gen gây ra các bệnh lý
như:
-
Chậm phát triển tâm thần.
-
Nhân cách bệnh.
4. Các nguyên nhân chưa rõ ràng
(hay là nguyên nhân nội sinh):
Do có sự kết hợp phức tạp của nhiều
nguyên nhân khác nhau ( di truyền, chuyển hoá, miễn dịch, ...) nên khó xác định
được nguyên nhân chủ yếu. Các rối loạn tâm thần thường gọi là nội sinh như:
-
Bệnh tâm thần thần liệt.
-
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Do nguyên nhân chưa xác định rõ ràng nên công
tác dự phòng và điều trị gặp nhiều khó khăn, các rối loạn thường kéo dài và hay
tái phát.
Như vậy trong lâm sàng xác định nguyên nhân của
một rối loạn tâm thần phải hết sức thận trọng và có xác định đúng nguyên nhân
thì mới hy vọng điều trị có kết quả.
IV. MỘT SỐ BỆNH VÀ RỐI LOẠN TÂM THẦN THƯỜNG GẶP
1. MỘT SỐ BỆNH LÝ TÂM THẦN GẶP Ở TRẺ EM VÀ THIẾU NIÊN
1.1.
Chậm phát triển tâm thần (CPTTT)
CPTTT không phải là một đơn thể bệnh mà là một
nhóm trạng thái bệnh lí, khác nhau về bệnh nguyên và bệnh sinh nhưng có chung một
bệnh cảnh lâm sàng, đó là sự trì trệ về phát triển tâm thần có tính chất bẩm
sinh hoặc mắc phải chủ yếu trong ba năm đầu khi hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh về
cấu trúc.
Đặc điểm chung của CPTTT là toàn bộ sự phát
triển tâm thần nói chung (toàn bộ nhân cách) đều bị ảnh hưởng, nhưng nổi bật
lên là hoạt động trí tuệ bị trì trệ, kém phát triển hoặc không phát triển được.
Như vậy không phải riêng trí tuệ mà các hoạt động tâm thần khác đều bị ảnh hưởng.
Tỷ lệ mắc CPTTT khoảng 1%, trẻ nam nhiều hơn
trẻ nữ.
1.2. Tự kỷ
"Hội chứng tự kỷ" là một trong những
Hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em. Hội chứng tự kỷ ở trẻ em được biểu hiện
qua 3 loại hành vi sau:
+ Khiếm khuyết về quan hệ xã hội:
Trẻ tự kỷ rất hạn chế trong vấn đề giao tiếp
xã hội. Ví dụ trong giao tiếp thì trẻ tự kỷ không giao tiếp bằng mắt, không có
những giao tiếp "không lời" bằng những cử chỉ cơ thể. Tình cảm rất hạn
chế ngay cả với bố mẹ và người thân trong gia đình. Không chia sẻ cảm xúc buồn
vui, không quan tâm đến những hoạt động xung quanh trẻ.
+
Khiến khuyết về sử dụng ngôn ngữ
trong giao tiếp:
Chậm, thậm chí rất chậm nói hoặc là nói xì xồ
không rõ là tiếng gì. Có trẻ biết nói nhưng chỉ được vài câu như
"bà", "mẹ"...còn lại là im lặng, những trẻ này không biết
cách biểu đạt nguyện vọng bằng ngôn ngữ.
+ Chơi tưởng tượng:
Trẻ tự kỷ thường không thích chơi với bạn bè
mà chỉ thích chơi một mình. Không đa dạng trong cách chọn trò chơi, chỉ theo một
mô típ. Kỹ năng chơi hạn chế, lặp đi lặp lại một động tác. Chơi những đồ vật bất
thường như tăm, đũa, điều khiển ti vi.... Gần 100% trẻ tự kỷ xem quá nhiều quảng
cáo trên ti vi, tay chân hay vê xoắn, hay đi vòng quanh không có mục đích.
Nguyên nhân: bất thường về gen, nhiễm độc, yếu
tố môi trường,….
1.3. Rối loạn tăng động giám chú ý
– ADHD
Rối loạn tăng động, giám chú ý (ADHD) đặc trưng
bởi sự giảm chú ý, hiếu động, tăng động so với trẻ cùng lứa tuổi và mức độ phát
triển.
- Giảm chú ý:
+
Thất bại với sự tập trung chú ý vào các chi tiết hoặc có những lỗi bất cẩn
trong các bài tập, việc làm, hoặc hoạt dộng khác.
+
Có khó khăn trong việc duy trì chú ý và hoàn thành các nhiệm vụ hoặc các hoạt động
trò chơi.
+
Thường dường nhu không nghe khi được nói trực tiếp với mình.
+
Dễ bị phân tán bới các kích thích không liên quan.
+
Dễ mất các đồ vật của mình hoặc quên các hoạt động thường ngày.
- Tăng động:
+
Thường động đậy chân tay, vạn vẹo người khi ngồi.
+
Thường rời chỗ trong phòng hoặc trong các tình huống khi phải ngồi yên tại chỗ
+
Thường chạy hoặc leo trèo quá mức
+
Thường khó khăn chơi hoặc tham gia trong các hoạt động giải trí một cách im lặng
+
Thường nói quá mức
+
Thường như “đang đi trên đường” hoặc hành động như thể “bị mô tô rượt đuổi”.
- Xung động:
+
Thường thốt ra những câu trả lời trước khi câu hỏi được đặt xong
+
Thường có khó khăn trong việc đợi đến lượt
+
Thường làm gián đoạn hoặc nhập cuộc đường đột vào các hoạt động khác.
1.4.
Các rối loạn hành vi của thanh thiếu niên (TTN)
Rối loạn hành vi được xếp ở mục F.91 (ICD-10)
đó là những hành vi xâm phạm, bạo lực, gây thương tích, đâm chém, càn quấy, ...
do những nguyên cớ không tương xứng; những hành vi trên tái diễn, lặp đi lặp lại
kéo dài ở TTN.
Rối loạn hành vi của TTN có chiều hướng gia
tăng trong những năm gần đây. Một nghiên cứu cho thấy rối loạn hành vi TTN
10-17 tuổi là 3,7 – 6 %; ở thành thị cao hơn ở nông thôn, trẻ trai nhiều hơn trẻ
gái.
2. BỆNH TÂM THẦN THƯỜNG GẶP Ở
THANH NIÊN VÀ NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH
2.1. Tâm thần phân liệt (TTPL)
TTPL là
một bệnh loạn thần nặng tiến triển từ từ, có khuynh hướng mãn tính, căn nguyên
hiện nay cha rõ ràng, làm cho người bệnh dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài,
thu dần vào thế giới bên trong, làm cho tình cảm trở nên khô lạnh, khả năng học
tập làm việc ngày một sút kém, có những hành vi, ý nghĩ dị kỳ, khó hiểu.
Bệnh TTPL là bệnh
khá phổ biến ở trên thế giới, tỷ lệ từ 0,3 – 1%, phát sinh ở lứa tuổi 18 – 40, tỉ lệ nam/ nữ là 1,2/1.
2.2. Trầm cảm
Trầm cảm
là sự ức chế toàn bộ các quá trình hoạt động tâm thần, biểu hiện bằng các triệu
chứng:
- Giảm
khí sắc, buồn chán,
- Mất
quan tâm thích thú,
- Giảm
năng lượng, dễ mệt mỏi dù chỉ sau một cố gắng nhỏ,
- Suy
nghĩ chậm chạp, ít hoạt động,
- Ngại tiếp xúc với mọi người.
Các triệu chứng khác như: giảm sút sự tập trung và chú ý, giảm sút tính tự
trọng và lòng tin, có ý tưởng bị tội, không xứng đáng, nhìn vào tương lai ảm đạm,
bi quan, ý tưởng và hành vi tự huỷ hoại hoặc tự sát, rối loạn giấc ngủ, ăn ít
ngon miệng, giảm ham muốn về tình dục, lãnh cảm.
Tỷ lệ mắc khoảng 2- 5% dân số, nữ gặp nhiều hơn nam.
2.3. Lạm dụng chất, nghiện chất
- Lạm dụng chất
trong đó có lạm dụng rượu và đặc biệt nghiện rượu, nghiện ma tuý đã trở thành
hiểm hoạ của nhân loại.
- Trên 30% dân số
Việt Nam có lạm dụng bia rượu và khoảng 3,5% là nghiện rượu.
- Nghiện ma tuý ở
nước ta cũng như một số nước khác trong khu vực có một số đặc điểm nguy hại hơn
như sau:
+ Đa số nghiện
ma tuý là những người trẻ tuổi từ 16-35 chiếm 70-80%;
+ Nghiện các chất
ma tuý nặng hơn, nguy hại hơn chủ yếu là heroin và các chất ma túy tổng hợp mới
như ma túy đá (methamphetamin), thuốc lắc, Ketamin… gây ra các rối loạn tâm thần
nặng như hoang tưởng, ảo giác, kích động,…
+ Có thể hỗn hợp
về phương thức (Hút, hít, tiêm chích, ...) cũng như việc kết hợp nhiều loại ma
tuý (Heroin, amphetamin, cocain, LSD 25, …);
+ Hầu hết các tỉnh
thành trong cả nước đều có người nghiện ma túy;
+ Vì tiêm chích
bằng kim tiêm chung nên nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao, có những nơi 70 – 80%
người nghiện ma tuý nhiễm HIV, viêm gan B, C...
2.4. Tự sát
Là một cấp cứu trong Y học và cũng là một cấp cứu
rất đặc thù trong tâm thần học. Hàng năm trên thế giới có hàng trăm nghìn người
chết do tự sát, có nhiều nước chết do tự sát còn nhiều hơn chết do tai nạn giao
thông. Cứ 40 giây có một người thực hiện tự sát ở nơi nào đó trên thế giới, cứ
3 giây có một người doạ chết. Nam giới thực hiện tự sát nhiều hơn nữ nhưng nữ
giới doạ tự sát nhiều hơn. Thường gặp ở người trẻ (15 – 35 tuổi) và người già
(trên 70 tuổi).
Tìm hiểu nguyên nhân tự sát, nhiều tác giả nhận thấy
như sau:
+ Sự gia tăng tiềm ẩn các rối loạn tâm thần chưa phát hiện
được sớm, kịp thời như trầm cảm, lo âu, hoảng loạn, nghiện rượu, ma tuý, rối loạn
hành vi,...
+ Nhân tố tâm lý xã hội không thuận lợi (stress) như: Thất
bại, đổ bể trong làm ăn, cạnh tranh thua lỗ; mâu thuẫn kéo dài giữa các thành
viên trong gia đình không giải quyết được; cấu trúc gia đình bị đảo lộn: ly
thân, ly hôn, các thành viên trong gia đình thiếu gắn bó, không có điểm nương tựa,
người thân cha hoặc mẹ nghiện rượu; sự cô đơn ở những người cao tuổi.
3. BỆNH TÂM THẦN
THƯỜNG GẶP NGƯỜI GIÀ
3.1. Sa sút trí tuệ (SSTT)
SSTT là một hội chứng được
đặc trưng bởi sự suy giảm nhiều chức năng cao cấp của vỏ não mà không có rối loạn
ý thức. Thường gặp ở người già (trên 60 tuổi), rất hiếm gặp ở người trẻ và tuổi
trung niên. Tuổi thọ con người càng cao thì quần thể người già càng chiếm tỷ lệ
cao trong dân số và số người bị SSTT sẽ càng nhiều hơn.
Nguyên nhân: SSTT thường gặp do bệnh
Alzeimer, do bệnh lý mạch máu (nhồi máu não, xuất huyết não, trạng thái ổ khuyết,….),
do nhiễm độc chất (rượu, kim loại nặng, các thuốc an thần gây ngủ, thuốc gây
nghiện,…) và nhiểu nguyên nhân khác.
Biểu hiện: suy giảm trí
nhớ; giảm khả năng tư duy, phán đoán, rối loạn định hướng và ngôn ngữ; bệnh
nhân thường biểu hiện báng quan hay mất ham thích hứng thú; giảm khả năng trong
các công việc thường; mất kiểm soát cảm xúc – bệnh nhân có thể trở nên dễ buồn,
dễ khóc, dễ bị kích thích. Các triệu chứng này gây suy giảm và trở ngại đáng kể
cho các hoạt động nghề nghiệp, xã hội và cả các hoạt động sống hàng ngày của cá
thể.
3.2. Trầm cảm ở người già:
Người già thường hay gặp rối loạn trầm
cảm với các biểu hiện như sau:
- Các triệu chứng
về cảm xúc: buồn chán, bi quan,...
- Các triệu chứng
về cơ thể: đau mỏi trong người, đặc biệt ở cơ, xương khớp.
- Rối loạn về
hành vi: chậm chạp, kích động, kích thích, gây hấn, tự sát.
- Hoang tưởng: bị
hại, bị theo dõi, ...
3.3. Các rối loạn tâm thần do bệnh lý cơ thể :
Người già
thường có các bệnh lý cơ thể: tim mạch, cơ xương khớp, nội tiết,... Những bệnh
lý này thường dẫn đến các rối loạn tâm thần ở người già như: rối loạn lo âu, trầm
cảm, mất ngủ thực tổn,…
V. PHÁT HIỆN SỚM
CÁC BIỂU HIỆN CỦA BỆNH VÀ RỐI LOẠN TÂM THẦN
Rối loạn tâm thần ở giai đoạn sớm
thường có các biểu hiện như sau:
- Rối
loạn giấc ngủ: Thay đổi so với những biểu hiện
bình thường của chính họ trước đây, như khó khăn khi đi vào giấc ngủ, trằn
trọc, thức dậy sớm hơn thường lệ. Bệnh nhân có thể mất ngủ kéo dài hàng tuần,
hàng tháng, một số không thể duy trì giấc ngủ và thường thức trắng cả đêm. Một
số bệnh nhân rối loạn chu kỳ thức ngủ: ngày ngủ, đêm thức (không phải do nghề
nghiệp, thói quen hoặc lý do công việc đặc biệt khác).
- Thay
đổi tính cách: Bệnh nhân thay đổi tính cách so
với trước kia như dễ cáu giận hơn, giận dữ vô cớ, thậm chí kích động đập phá,
đánh người vô cớ. Đặc biệt, có thể có sự thay đổi tình cảm, thái độ với người
thân: xa lánh, thù ghét bố mẹ, anh em...
- Thay
đổi trong nề nếp sinh hoạt hằng ngày:
Người bệnh trở nên lười biếng hơn, ít hoặc ngại giao tiếp, không quan tâm đến
người thân, bỏ bê công việc, mất hoặc không duy trì các thói quen, sở thích
trước kia, không chăm sóc vệ sinh cá nhân.
- Thay
đổi trong cách suy nghĩ: Bệnh nhân trở nên đa nghi
hơn, hay nghi ngờ cả với người thân, thường có hành vi theo dõi, kiểm tra, …. Hoặc
có những ý nghĩ không đúng, không phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Người bệnh còn
có những ý nghĩ kỳ lạ, không thể giải thích được như: cho rằng có người đang
theo dõi, hại mình và người thân của mình, hoặc có người biết mọi ý nghĩ của
mình, chi phối mọi hành vi, việc làm của mình... Một số bệnh nhân lại cho rằng
bản thân có khuyết điểm, tội lỗi không thể tha thứ, có thể nảy sinh ý tưởng và
hành vi tự sát.
- Thay
đổi trong cách nói: Một số trở nên trầm, ít nói hơn
hoặc nói một mình như đang đối thoại với người khác. Có người lơ đễnh, không
tham gia được câu chuyện với người khác, nói những câu vô nghĩa, không có nội
dung, các chữ, câu không liên quan với nhau, hoặc nói không ăn khớp với hoàn
cảnh. Nhiều trường hợp lại biểu hiện nói nhiều, nhại lời,…
- Thay đổi về hành vi, tác phong, sinh hoạt: Có
những hành vi kỳ lạ, không phù hợp với hoàn cảnh hoặc không thể giải thích được
như đứng sững nhìn mặt trời, lúc nào cũng giữ lâu một tư thế khó chịu, đi lang
thang không có mục đích...
Kết luận: Tỷ lệ mắc các bệnh và rối loạn tâm
thần, rối nhiễu tâm trí ngày càng gia tăng. Sức khỏe tâm thần là vấn đề cần được
quan tâm và cộng đồng cũng có nhận thức rõ ràng hơn về khái niệm: “Không có sức
khỏe tâm thần là không có sức khỏe”. Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người
là một mục tiêu rất cụ thể, lý tưởng mang tính xã hội và phải phấn đấu từng bước
để đạt được mục tiêu cuối cùng là “nâng cao chất lượng cuộc sống” của con người.
Khi phát hiện các rối loạn tâm thần, trong trường hợp bệnh nhân còn nhận thức
được bệnh của mình, nên xem xét kỹ các rối loạn này có từ bao giờ, có những
nguyên nhân trong cuộc sống tác động đến hay không? Hãy bày tỏ với người thân
về các rối loạn của mình để họ có thể trợ giúp hoặc đưa ra những lời khuyên hợp
lý. Gia đình nên tìm hiểu kỹ những thay đổi ở bệnh nhân để động viên, chia sẻ
và thông cảm, đưa đến ngay các trung tâm tư vấn tâm lý hoặc các phòng khám
chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.